Mẹ Nên Cho Trẻ Sơ Sinh Uống Vitamin A Khi Nào?

Vitamin A là vi chất đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của trẻ. Vitamin A cũng thuộc nhóm vitamin tan trong dầu như vitamin D. Tuy nhiên, cách bổ sung và thời điểm cho trẻ uống vitamin A rất khác biệt. Bố mẹ cũng cần lưu ý một số điều để bổ sung vitamin A cho trẻ hiệu quả nhất. Bác sĩ Xuân sẽ giúp các bố mẹ hiểu rõ vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

Tác dụng vitamin A cho trẻ

Vai trò quen thuộc của vitamin A mà hầu hết các bậc phụ huynh đều “thuộc lòng” đó là sáng mắt, phòng chống mù lòa. Vitamin A tham gia xây dựng tế bào biểu mô võng mạc đồng thời giúp tế bào que và nón của mắt cảm thụ ánh sáng. Nhờ đó, trẻ mới quan sát rõ ràng mọi vật xung quanh. Trẻ thiếu vitamin A có thể mắc bệnh lý quáng gà, xơ hóa kết mạc, loét giác mạc, suy giảm thị lực và mù lòa vĩnh viễn. 

Tuy nhiên, tác dụng vitamin A cho trẻ còn to lớn hơn thế. Vitamin A giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch và giảm tỉ lệ tử vong do nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vitamin A thúc đẩy sự tăng sinh và hoạt động của các tế bào lympho và biểu mô trong toàn cơ thể. Các tế bào này là người chiến sĩ đánh bại vi khuẩn và virus gây bệnh cho trẻ. Trẻ được cung cấp đầy đủ vitamin A có khả năng miễn dịch tốt, giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong do các bệnh lý nhiễm khuẩn như viêm phổi, tiêu chảy, sởi, nhiễm khuẩn tiết niệu, tay chân miệng… 

Vitamin A giúp phát triển thị lực và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ
Vitamin A giúp phát triển thị lực và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ

Khi nào cho trẻ uống vitamin A?

Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo thời điểm cho trẻ uống vitamin A là từ 6 tháng tuổi. Không nên cho trẻ dưới 6 tháng uống vitamin A bởi lẽ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất non yếu và phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ nặng nề sau khi uống vitamin A liều cao. Bên cạnh đó, uống vitamin A trước 6 tháng tuổi không giúp giảm tỉ lệ thiếu hụt vi chất này khi trẻ lớn lên. Vì tác hại lớn hơn lợi ích, trẻ em chỉ nên uống vitamin A sau 6 tháng tuổi.

Liều lượng và cách bổ sung vitamin A cho trẻ

Cách thức và liều lượng bổ sung vitamin A cho trẻ thay đổi theo từng lứa tuổi.

Với trẻ từ 1 – 5 tháng tuổi 

Nhóm trẻ này không cần uống vitamin A. Trong độ tuổi này, sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào. Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là cách bổ sung vitamin A cho trẻ đơn giản và hiệu quả nhất. 

Bú mẹ hoàn toàn là cách bổ sung vitamin A tốt nhất cho trẻ dưới 6 tháng tuổi
Bú mẹ hoàn toàn là cách bổ sung vitamin A tốt nhất cho trẻ dưới 6 tháng tuổi

Nhu cầu vitamin A của phụ nữ cao nhất trong giai đoạn cho con bú, lớn gấp 1,5 lần bình thường. Do đó, các bà mẹ nuôi con dưới 6 tháng tuổi cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A vào chế độ ăn. Chỉ khi cơ thể mẹ thu nhận đủ vitamin A, sữa mẹ mới đảm bảo hàm lượng vi chất dinh dưỡng này. Có như vậy, trẻ mới nhận đủ lượng vitamin A cần thiết.

Với trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi

Sau 6 tháng tuổi, trẻ tiếp nhận vitamin A thông qua sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng và uống bổ sung. Mặc dù tiếp tục cho trẻ bú mẹ từ 6 tháng – 3 tuổi giúp giảm 74% nguy cơ thiếu vitamin A, nhưng khi trẻ bước sang độ tuổi ăn dặm, sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu vitamin A của trẻ. Đó là lý do trong độ tuổi này, trẻ cần được bổ sung thêm vitamin A thông qua chế độ ăn và uống liều cao định kỳ. 

Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bố mẹ nên cho trẻ tập ăn các loại rau củ và hoa quả có màu đỏ, vàng, xanh sẫm. Bên cạnh đó, các món ăn có lòng đỏ trứng, phomai, gan, dầu cá cũng rất bổ dưỡng và giàu vitamin A. Nên đa dạng hóa và thay đổi các món ăn để trẻ hợp tác ăn uống vui vẻ và ngon miệng hơn.

Đối với uống bổ sung vitamin A liều cao định kỳ, bố mẹ cần tuân thủ hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO về liều lượng và thời gian như sau:

  • Với trẻ 6 – 11 tháng tuổi: uống 100.000 IU vitamin A một lần duy nhất.
  • Với trẻ 1 – 5 tuổi: uống 200.000 IU/ lần và uống định kỳ 4 – 6 tháng/ lần. Vitamin A tan trong dầu nên được cơ thể dự trữ trong gan và giải phóng sử dụng dần dần. Đó là lý do vì sao trẻ có thể uống một liều vitamin A liều cao thay vì uống liều thấp hàng ngày. 

Gợi ý một vài món ăn giàu vitamin A cho mẹ và bé

Nước ép cà rốt, sinh tố xoài, sữa chua ăn cùng bơ, đu đủ là những bữa ăn phụ bổ dưỡng rất giàu vitamin A cho cả mẹ và bé.

Súp bí đỏ là món ăn ngon ngọt vừa giàu vitamin A vừa tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Trước tiên, mẹ xào bí đỏ với ít tỏi, gừng và bơ. Sau đó đun cùng một chút nước để bí chín mềm rồi cho thêm kem và sữa tươi. Cuối cùng, mẹ dùng máy xay xay nhuyễn hỗn hợp. Món ăn thơm ngon này có thể ăn riêng hoặc ăn kèm cơm, mỳ Ý, bánh mỳ.

Bố mẹ có thể chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng giàu vitamin A cho trẻ
Bố mẹ có thể chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng giàu vitamin A cho trẻ

Món cháo súp lơ xanh có nhiều nguyên liệu thơm ngon như thịt bê, khoai lang, đỗ xanh, súp lơ. Khoai lang và súp lơ rất giàu vitamin A. Thịt bê có hàm lượng chất béo ít và dễ tiêu hóa. Nếu bé trên 9 tháng tuổi, mẹ có thể cho thêm cơm nát hoặc yến mạch nguyên hạt để trẻ làm quen với thức ăn thô. Cách nấu rất đơn giản: trước tiên, mẹ cắt nhỏ nguyên liệu rồi cho vào nồi đun khoảng 10 phút. Lưu ý đậy vung trong quá trình đun để lưu giữ toàn bộ vitamin. Sau đó, mẹ xay nhỏ hỗn hợp cùng với một chút dầu ăn và nước táo hoặc lê. Vậy là món ăn vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng đã hoàn thành.

Ngoài ra, các món ăn như cháo thịt bò khoai lang, cháo súp lơ cá hồi, bánh ăn dặm khoai lang… cũng rất đáng để các bậc phụ huynh thử nghiệm.

Theo dõi trẻ sau uống vitamin A

Vitamin A đã được nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh là an toàn với trẻ. Tuy nhiên, khoảng 1,5 – 10% trẻ em có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như: quấy khóc, đau đầu, sốt, tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Những triệu chứng này thường chỉ thoáng qua trong 24 – 48h, sau đó sẽ giảm dần và biến mất. Mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng phụ thuộc vào độ tuổi và sức khỏe của trẻ. Trẻ càng nhỏ tuổi, càng ốm yếu thì càng dễ gặp phải những tác dụng không mong muốn này.

Mặc dù sau khi uống vitamin A, trẻ có thể sốt, nôn, tiêu chảy, quấy khóc nhưng không thể phủ nhận vai trò của vitamin A trong việc ngăn ngừa mù lòa và giảm tỉ lệ tử vong. Vì vậy, bố mẹ đừng quá lo ngại mà không cho trẻ bổ sung vi chất dinh dưỡng này.

Sau khi uống vitamin A liều cao, trẻ có thể sốt, nôn, tiêu chảy, quấy khóc
Sau khi uống vitamin A liều cao, trẻ có thể sốt, nôn, tiêu chảy, quấy khóc

Tác dụng phụ sau khi uống vitamin A thường nhẹ và thoáng qua. Các triệu chứng sẽ giảm dần và biến mất sau 2 ngày. Nếu sang ngày thứ 3, trẻ vẫn sốt, nôn, tiêu chảy, quấy khóc, bố mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để tiếp tục theo dõi và xử trí. Nếu ngay sau khi uống vitamin A, trẻ sốt cao liên tục, nôn và đi ngoài nhiều, bỏ ăn, mệt lả hoặc quấy khóc không dỗ được, bố mẹ cũng cần cho trẻ tới bệnh viện ngay.

Các bậc phụ huynh có thể bổ sung vitamin A cho trẻ thông qua sữa mẹ, chế độ ăn và viên uống liều thấp hoặc liều cao. Tùy thuộc lứa tuổi, bố mẹ hãy chọn cách bổ sung vitamin A cho trẻ hợp lý và hiệu quả nhất nhé!