Cách chăm sóc trẻ 9 tháng tuổi chuẩn khoa học
Là những ông bố bà mẹ luôn muốn chăm sóc con của mình theo cách tốt nhất. Nhưng bản thân mỗi ông bố bà mẹ lại không có khả năng đọc được suy nghĩ của những em bé mà chỉ thông qua những kinh nghiệm nuôi dạy từ ông, bà bố mẹ hoặc những ông bố bà mẹ khác. Chính bởi vậy bài viết hôm nay cũng là một kênh thông tin giúp cho bố mẹ cũng như người thân trong gia đình hiểu hơn về em bé 9 tháng tuổi của mình.
Cách chăm sóc đạt mốc sinh trưởng và phát triển của trẻ 9 tháng tuổi
Cân nặng, chiều cao
Cân nặng ở em bé 9 tháng tuổi với bé trai là 9,12kg và với bé gái là 8,49kg. Chiều cao tiêu chuẩn là 71,51cm đối với bé trai và 69,99cm đối với bé gái.
Mọc răng
Trẻ 9 tháng thường đã mọc răng, có thể đã mọc 2 - 4 chiếc, tức là 2 răng cửa hàm dưới và 2 răng cửa hàm trên.
Phát triển động tác
Trẻ 9 tháng tuổi không những biết ngồi, mà còn có thể từ ngồi nằm xuống, vịn vào thành giường đứng lên, và từ đứng lại ngồi xuống, khi nằm sấp có thể dùng tay và đầu gối nâng người dậy; biết vỗ tay, biết dùng tay lấy những đồ chơi mà bé thích, nhưng thường hay cắn đồ chơi, đã có thể tự ăn bánh quy.
Phát triển ngôn ngữ
Trẻ 9 tháng đã có thể bắt chước người lớn phát đơn âm, trẻ phát âm sớm đã có thể nói được 2 âm tiết như “mẹ, mẹ” “bà, bà”
Phát triển tâm lý
Trẻ 9 tháng thấy người quen biết cười để chứng tỏ sự quen biết, thấy người thân đến đã đòi bế, nếu bị lấy mất đồ chơi bé thích sẽ biết khóc. Tỏ ý ngạc nhiên và thích thú trước vật mới mẻ. Nhìn thấy bóng mình trong gương, đã biết tìm phía sau gương để xem ai, có khi tự hôn vào mặt mình trong gương.
Trẻ 9 tháng đã biết bò, biết thay đổi hướng bò. Đã biết chơi bằng cả hai tay, đập tay vào nhau hoặc lấy đồ chơi gõ lên mặt bàn. Biết dùng ngón cái và ngón trỏ để nhặt đồ chơi nhỏ. Nếu đồ chơi rơi xuống gầm bàn, biết tìm kiếm.
Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ 9 tháng tuổi
Trẻ 9 tháng trung bình mỗi ngày cần ngủ 14 - 16 tiếng, ban ngày chỉ nên ngủ 2 lần, mỗi lần khoảng 2 giờ, ban đêm ngủ khoảng 10 tiếng. Ban đêm nếu nếu bỉm bị đầy mà trẻ đã ngủ thật say, thì bố mẹ không cần thay (nên thay bỉm cho bé trước khi bé đi ngủ). Với trường hợp bé đi đại tiện hoặc mông của bé đang gặp vấn đề mẩn đỏ thì bố mẹ cần phải thay bỉm ngay cho bé.
Chăm sóc dinh dưỡng cho em bé 9 tháng tuổi
Sữa mẹ của em bé 9 tháng tuổi đã có sự thay đổi nhiều về lượng cũng như chất dinh dưỡng tùy nhiên do em bé đã phát triển nên sẽ không đáp ứng so với nhu cầu của em bé vì vậy phải cho bé ăn thêm để đáp ứng nhu cầu phát triển. Bắt đầu từ tháng này nên cho trẻ bú sữa mẹ 3 lần mỗi ngày (sáng, trưa, tối), sáng và chiều cho ăn thêm một bữa.
Đối với trẻ nuôi bằng sữa công thức mỗi ngày cần 3 cữ sữa công thức chia làm 3 lần, sáng và chiều ăn thêm một bữa phụ.
Đối với em bé 9 tháng, dịch trong dạ dày để tiêu hóa chất đạm đã phát huy được tác dụng, cho nên có thể ăn thêm các thức ăn có chất đạm như: đậu phụ, chế phẩm sữa, ruốc thịt, ruốc cá. Cho trẻ ăn ruốc thịt, cần ăn thịt nạc còn tươi, có thể xay nhỏ rồi cho thêm gia vị vào nấu nhừ.
Khi cho ăn thêm nên tăng thêm dần, khi trẻ đã thích ứng và không có phản ứng xấu, mới thêm thứ khác. Ngoài ra, chỉ khi trẻ đã đói mới dễ tiếp thu thức ăn mới. Bởi vậy ăn thêm nên ăn trước khi cho ăn sữa.
Ăn dặm cùng bàn với cả gia đình: rất nhiều em bé đến tháng này không thích uống sữa mà thích ăn cơm, bé rất thích được ngồi cùng ăn với cha mẹ. Mẹ có thể bế bé ngồi cạnh bàn, có thức ăn riêng của bé mềm và nhừ hơn của người lớn (hoặc ở trong bàn ghế ăn của bé được kê cùng bàn ăn của cả nhà). Để cho bé cùng ăn, nếu dùng được thìa thì càng tốt, nếu không có thể cho bé bốc ăn. Tuy chỉ ăn được một ít, rơi vãi nhiều nhưng tập như vậy rất quan trọng. Thực tế người mẹ bón cho bé ăn thì rất đơn giản hơn nhiều bé tự ăn, nhưng vẫn nên cho bé có cơ hội tập luyện. Trẻ ăn cùng bàn, ngoài thức ăn riêng của bé, còn muốn ăn thức ăn của cha mẹ. Có thể cho bé ăn thử một chút, nói cho bé biết thế nào là chua, ngọt, cay, đắng. Nhưng không nên bón cho bé ăn nhiều, vừa mất vệ sinh, mà trẻ chưa thể tiêu hóa được.
Chăm sóc hàng hàng ngày cho trẻ 9 tháng tuổi
Chú ý an toàn trong nhà
Khi trẻ biết bò, phạm vi hoạt động của bé rộng ra, cũng biết nhiều hơn, bé sẽ bò, vin lan can, lay mọi vật. Bé không hiểu được làm như vậy là nguy hiểm, không biết tự bảo vệ, vì vậy người mẹ phải đặt biệt chú ý an toàn.
Mọi dụng cụ mà trẻ dễ va chạm, nếu có góc nhọn thì cần phải dùng xốp, bông che đi.
Nếu có điều kiện, thì nên để một phòng trống hoặc một góc nhà riêng cho bé chơi.
Dụng cụ gia đình lắp ghép phải đóng thật chặt.
Tháo bỏ các tay cầm của dụng cụ gia đình và ngăn kéo mà bé có thể vịn vào, kéo hoặc chui vào.
Cầu thang trong nhà cần có tay vịn.
Bàn, ghế, giường phải để xa cửa sổ, đề phòng bé leo lên cửa sổ.
Thành giường của bé phải cao quá ngực bé, thành của xe nôi cũng cần cao một chút.
Chú ý vệ sinh. Nơi trẻ hay bỏ phải lau quét thật khô ráo, vì bé không những biết bò, mà còn nhặt mọi thứ nhét vào miệng.
Phải luôn để ý bé khi bé bò.
Cửa sổ cần có chấn song, không nên để cho bé đứng chơi trên ban công.
Không nên để cho bé vào bếp và buồng ăn nhất là khi có thức ăn nóng và nước sôi.
Không nên trải khăn bàn, để tránh bé kéo xuống bát đĩa trên bàn sẽ bị đổ vỡ.
Phích nước sôi phải để ở chỗ bé không đụng phải.
Không nên cho bé chơi đũa, thìa, bút để tránh bé cho vào miệng, ngã xuống nguy hiểm.
Cất kỹ thuốc men, dụng cụ lau rửa.
Nguồn điện, đồ điện phải để thật an toàn.
Chăm sóc khi trẻ 9 tháng tuổi ngồi bô
Không được coi ngồi bô là một hình phạt, làm như vậy bé sẽ rất sợ đi đại tiện.
Về mùa đông cần chú ý, bô bị lạnh kích thích bé sẽ khó đại tiểu tiện.
Không được để cho bé ngồi trên bô chơi đùa.
Khi bé ngồi bô thì không nên cho ăn hoặc uống.
Tốt nhất không nên đại tiện khi đang ăn.
Chỗ bé ngồi đại tiện phải sáng sủa, môi trường vệ sinh sạch sẽ.
Sau khi dùng bô phải rửa sạch ngay.
Nếu trẻ bị viêm ruột hoặc lỵ, thì phải dùng nước tẩy 1% ngâm bô trong 1 tiếng.
Không được dùng giấy vệ sinh đã lau rồi, rồi lau lại cho bé gái.
Lau cho bé phải lau từ trước ra sau.
Sau khi đại tiện nên dùng nước ấm để rửa cho bé.
Chăm sóc bộ phận sinh dục của bé trai 9 tháng tuổi
Có bà mẹ khi tắm cho con thấy chim bé cương lên, điều này làm các bà mẹ trẻ lo sợ: trẻ mới bé tí mà làm sao đã như vậy? Kỳ thực việc cương chim của bé khác hẳn với người lớn, mà là phản ứng tự nhiên, khi bé muốn tiểu tiện, và đang ngủ đều có thể cương chim. Khi tắm, vì chim của bé bị bỉm hay tã lót ép lại, bị kích thích bằng nước nóng, nên cơ quan rất nhạy cảm này tự nhiên cương lên. Điều này là phản ứng bình thường, người mẹ không nên quá lo lắng.
Có bà mẹ sợ động vào chim bé sẽ cương lên nên khi tắm cho bé không dám tắm vào chỗ này. Trên thực tế không vấn đề gì cả, nếu không rửa kỹ hạ bộ cho bé để chất bẩn lưu lại sẽ gây viêm. Các bà mẹ đều rất quan tâm đến chim của con trai, có đứa vì béo quá các bà mẹ sẽ lo chim quá nhỏ. Điều mà căn bản không cần thiết. Trẻ nhiều mỡ, thì có khi một khúc chim không lộ ra ngoài. Ngoài ra chim bé to hay nhỏ một chút cũng không hề gì chỉ cần công năng giới tính bình thường là được. Điều nguy hiểm thực sự là những lo lắng đó của người mẹ ngày càng ảnh hưởng đến trẻ, khiến cho trẻ luôn bị ám ảnh tâm lý về giới tính.
Chăm sóc sức khỏe cho trẻ 9 tháng tuổi
Cách chăm sóc cho trẻ 9 tháng tuổi khi bị viêm khí quản, viêm phổi dành cho cả gia đình
Triệu chứng chủ yếu của viêm khí quản là ho và sốt, nặng hơn còn có hiện tượng thở khó. Có một số trẻ còn có thể bị hen suyễn.
Khi trẻ bị viêm khí quản hoặc viêm phổi cần chú ý:
Cho trẻ nghỉ đầy đủ, đảm bảo giấc ngủ
Uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu hóa như: sữa, sữa đậu nành, trứng gà hấp, mì sợi nấu nhừ,...
Nếu trẻ thở khó, thì có thể kê gối cao một chút, cho trẻ nửa nằm nửa ngồi. Khi cho ăn sữa đề phòng bị trớ sữa. Nếu trẻ thở quá khó thì nên dùng thìa nhỏ bón từ từ.
Không khí trong phòng phải sạch, nếu là mùa đông thì khi mở cửa sổ chú ý tránh gió lùa. Trong phòng không nên quá khô, cần giữ đủ độ ẩm cho không khí.
Cho uống thuốc theo lời dặn của bác sĩ. Nếu sốt cao có thể chườm cho bé để hạ sốt.
Có phải tiêm tốt hơn uống thuốc hay không?
Trẻ ốm, các bậc cha mẹ rất lo lắng, rất nhiều người muốn bác sĩ tiêm cho con nhanh chóng khỏi bệnh.
Kỳ thực, uống thuốc hay tiêm phải căn cứ vào tính chất và tác dụng của thuốc mà quyết định. Có một số bệnh uống thuốc tốt hơn như bệnh về tiêu hóa: viêm ruột, lỵ... Thuốc sau khi uống, phần nhiều được cơ thể hấp thu, rồi qua tuần hoàn máu đưa đến toàn thân, còn thuốc do tiêm thì việc hấp thu cũng có quy tắc và hấp thu nhanh, cho nên có một số bệnh thì tiêm có hiệu quả tốt. Tiêm thì đau và có thể gây nhiễm trùng cục bộ, nếu tiêm nhiều lần chỗ tiêm rắn lại, sự co duỗi của cơ bắp giảm đi, có thể gây chứng co cơ ở mông. Bởi vậy, khi trẻ có bệnh, uống thuốc hay tiêm cũng cần có sự tư vấn, chỉ dẫn của bác sĩ.
Trẻ bị thiếu nước rất ảnh hưởng tới sức khỏe
Bình thường cơ thể người có khoảng 60% trọng lượng là nước, với trẻ thì tỷ lệ này càng cao. Nước có trong các cơ quan của cơ thể và trong dịch thể, nếu cơ thể trẻ không đủ nước thì sẽ có hiện tượng sau đây:
Bị nhẹ: Tinh thần suy sụp, không yên, ít tiểu, ngủ không ngon giấc, da khô, kém đàn hồi, hay khóc.
Bị nặng: Ngủ mê mệt, sốt cao, mắt lõm sâu, nước tiểu ít hoặc không có, cấp cứu không kịp hời có thể tử vong.
Bởi vậy cha mẹ cần chú ý đề phòng bé bị thiếu nước. Do trẻ còn bé, dù có khát, cũng không biết đòi uống, cha mẹ hay chú ý đến dinh dưỡng mà quên tầm quan trọng của nước trong cơ thể bé, nên ảnh hưởng rất tiêu cực đối với phát triển và sức khỏe của trẻ.
Chăm sóc răng miệng cho trẻ 9 tháng tuổi
Trẻ sau khi mọc răng cần phải chú ý bảo vệ răng miệng, trước khi đi ngủ không nên ăn, lúc thường nên ăn ít thứ ngọt, mỗi buổi sáng và tối hàng ngày nên cho trẻ súc miệng bằng nước sôi để nguội để làm vệ sinh răng miệng hoặc bố mẹ đánh răng cho trẻ với các dụng cụ thích hợp theo độ tuổi của trẻ.
Ngoài ra không nên để trẻ có thói quen mút ngón tay, ngậm vú giả, ảnh hưởng đến phát triển của răng.
Trong gia đình nên chuẩn bị sẵn tủ thuốc
Trẻ sau khi biết đi, có thể thường xảy ra tình huống bất ngờ, người nhà cần phải chuẩn bị sẵn một số thuốc để khi trẻ bị thương nhẹ có thể tự xử lý.
Thuốc đỏ (Mercurochrome) Thường dùng để khử trùng vết thương khi bị sây sát. Không được dùng cho vết thương có diện tích lớn, để tránh bị trúng độc mercur; cũng không được dùng chung với i-ốt, vì hai loại thuốc này hỗn hợp với nhau sẽ thành thuốc độc, làm tổn thương da thịt, gây nên loét.
Thuốc tím (Methyl violet): thường dùng với nồng độ 0,55 - 2% có tác dụng sát trùng, dùng khi bị lây nhiễm trên da, niêm mạc và vết thương, chỗ bị loét, cũng có thể dùng cho vết bỏng diện tích nhỏ.
Cồn i - ốt: Thường dùng với nồng độ 1% - 2%. Dùng bôi vào mụn nhọt trên da khi mới phát sinh chưa có mủ và vết côn trùng cắn. Vì cồn gây kích thích mạnh, nên không dùng với vết thương đã vỡ (cũng không được dùng cho người bị dị ứng i - ốt). Nếu dùng cồn i-ốt để khử trùng da xung quanh vết thương, thì sau khi hơi khô phải dùng ngay cồn 75 độ để lau đi.
Cồn: là thuốc dùng để sát trùng, thường có nồng độ 75% nếu thấp hơn thì không đạt được mục đích sát trùng, nhưng nếu cao quá 75% sẽ làm cho protein bề mặt vi khuẩn đông cứng lại trở ngại cồn ngấm vào trong nên cũng ảnh hưởng hiệu quả sát trùng. Bởi vậy, khi sát trùng da xung quanh vết thương chỉ dùng cồn 75%. Do cồn khi sát lên da, làm huyết quản chỗ đó căng lên, tuần hoàn máu mạnh lên, đồng thời cồn bốc hơi, tỏa nhiệt nên dùng cồn để lau tắm có thể hạ sốt. Nhưng nồng độ cồn để hạ sốt là 20% - 30 % có nghĩa là cứ 1 phần cồn 75% thì pha thêm 2 phần nước là có thể tắm được.
Băng dính: dùng để băng vết thương bên ngoài, có tác dụng tiêu độc cầm máu.
Tiêm phòng cho trẻ 9 tháng tuổi
Khi trẻ được 9 tháng cần được đưa đi tiêm phòng sởi.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên, khi phát bệnh có triệu chứng sốt cao, mắt đỏ, chảy nước mắt nước mũi, hắt hơi; sau 3 - 5 ngày nổi mụn toàn thân, trẻ con bị sởi sức đề kháng cơ thể thấp, vì vậy nếu chăm sóc không tốt hoặc môi trường kém vệ sinh thì rất dễ bị mất các bệnh khác. Tiêm phòng sởi là để nâng cao sức kháng thể chống vi rút sởi trong máu, để có khả năng miễn dịch, không phát bệnh. Nếu cá biệt có bị bệnh thì cũng rất nhẹ, không ảnh hưởng đến tính mệnh.
Xem thêm: Bé bị ho và sổ mũi - Mẹ hãy làm điều này cho con ngay!
Chăm sóc phát triển và luyện tập trí năng
Rèn luyện động tác
Trẻ 8 tháng đã bò tốt, người nhà phải tập cho bé đứng dậy. Mới đầu tập cho bé vịn thành giường đứng dậy. Đứng là cơ sở để đi, cơ bắp và hệ thống xương cốt của trẻ có đủ mạnh thì mới có thể vịn thành giường đứng được.
Mới đầu, bé đứng không được, cha mẹ không nên vội vàng, quan trọng là phải để bé dần dần biết dùng sức. Bố mẹ nên biểu dương, động viên bé tập cho đến khi có thể vịn thành giường đứng dậy thành thạo và đứng thật vững.
Phải tiếp tục tập động tác tay, lặp đi lặp lại làm cho bé biết những động tác khác nhau với vật thể khác nhau, phát hiện mối quan hệ giữa các vật thể, thúc đẩy trí lực phát triển đồng thời cũng rèn luyện linh hoạt của bàn tay và sự phối hợp giữa tay và mắt.
Tập khả năng cảm nhận
Dùng nhiều đồ chơi màu sắc và các vật mà bé ưa thích để cho bé nghịch vừa nghịch, vừa xem vừa nâng cao khả năng cảm nhận.
Tập ngôn ngữ
Dạy bé liên hệ giữa động tác với từ ngữ tương ứng, ví dụ như vừa nói “chào bạn” vừa vẫy tay để cho bé có mối liên hệ giữa câu chào bạn và vẫy tay. ta có thể dạy bé vỗ tay “hoan hô”, “gật đầu”, “cám ơn”. Tập cho bé làm động tác tương ứng khi ta nói, giúp bé hiểu nghĩa của từ ngữ.
Bồi dưỡng thói quen sinh hoạt
Đại tiện: Trẻ 9 tháng tuổi đã có thể ngồi vững, hàng ngày phải để cho bé ngồi bô đại tiểu tiện, khi ngồi bô không nên cho bé ăn, cũng không nên chơi đùa, cũng không nên ngồi lâu, đại tiểu tiện xong phải đứng dậy ngay.
Ăn và ngủ đúng giờ: Mẹ kiên trì luyện cho bé từ khi mới sinh sẽ hình thành thói quen sinh hoạt của bé, nhưng luôn nhớ không ép bé.
Bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp
Không nên để bé mang theo đồ chơi lên giường, bé sẽ chỉ ham chơi mà không ngủ, lâu dần thành thói quen sẽ rất khó sửa.
Chọn đồ chơi cho bé
Trẻ 9 tháng tuổi có thể chọn mua cho bé những đồ chơi động vật như: chó, mèo, gà con bằng nhựa hoặc bằng cao su. Vừa chơi vừa giảng cho bé: “Đây là con chó con, nó kêu gâu gâu”, về sau khi bé chơi với con chó, sẽ liên tưởng đến tiếng chó kêu, và có khái niệm về con chó.
Chơi trò chơi
Có thể chơi trò soi gương với bé 9 tháng. Bế bé đúng trước tấm gương lớn, vừa để cho bé xem vừa nói: “Con nhìn xem ai đây?” Đây là bé (tên của bé), giúp bé nhận biết khi soi gương. Bé bắt đầu hiểu vật và hình ảnh khác nhau.
Ngoài ra, có thể làm nhiều động tác trước gương, như mỉm cười, nhíu lông mày, bé sẽ biết bắt chước.
Đi lại được thật vui
Khi trẻ đã đứng vững, thì động viên bé tập đi. Người mẹ lắc đồ chơi rồi nói “Bé giỏi thật, tự đi lấy đồ chơi”. Bé sẽ khắc phục khó khăn loạng choạng chạy lại chỗ mẹ. Khi chơi trò tập đứng và tập đi, người mẹ phải ở canh để sẵn sàng giúp đỡ bé, động viên bảo vệ và làm cho bé dũng cảm, không để cho bé ngã đau, khiến bé sợ khi phải tập. Khi mặc quần áo, tắm và nói chuyện với bé có thể để bé đứng, khi đó sức chú ý của bé tập trung vào hoạt động nên có thể kéo dài thời gian đứng được. Ngoài nhà chỉ nên đi giày đế dày, còn trong phòng có thảm thì không cần phải đi giày, nhưng chú ý giường có đệm mềm thì không nên để bé bò và tập đi.
Nên cho bé đứng ở chỗ an toàn, sạch sẽ, xung quanh phải dọn sạch không để vật gì có thể gây tổn thương . Trò chơi này chủ yếu là tập khả năng đứng và đi của hai chân, để cho bé trong trường hợp không có chỗ dựa, tự mình biết cân bằng giữa cơ thể và tay chân. Phải làm cho bé cảm thấy hết sức vui mừng khi tự do đi lại.
Hoạt động lý trí của bé
Bắt đầu tập nói
Trẻ sau sinh nửa năm tuổi bắt đầu tập nói “mẹ, mẹ”; “bà, bà”. Đặc biệt là lặp đi lặp lại các âm tiết rõ ràng, để phát ra âm thanh. Khi vui mừng thì bé kêu lên mà không hiểu ý nghĩa như “bà, bà”, “mẹ, mẹ” khi nghe giống như bé nói nhưng bé vẫn chưa biết gì.
Bắt chước phát âm
Khi bé được 7 đến 9 tháng sẽ bắt chước phát âm, giống như con vẹt học nói, lúc thì “ba, ba”, lúc thì “mẹ, mẹ” “bà, bà”... Có khi liên tục vài ngày chỉ phát âm một từ, bất kể là thứ gì cũng chỉ dùng 1 từ để thay thế, thí dụ bé nói “ứ” thì dù đó là bật lửa, chiếc ghế hay cái cốc bé đều gọi là “ứ” cơ quan phát âm của bé vẫn có chỗ khó điều tiết, nên vẫn chưa thể bắt chước được những âm khó.
Khi gần 1 tuổi, bé càng thích được nói, lúc nào cũng như muốn nói chuyện, muốn hát. Bé rất cố gắng nhưng người khác vẫn không nghe hiểu được mà chỉ riêng bé biết. Cha mẹ cần phải vui mừng vì chính bé đang cố gắng học tập, tinh thần tập luyện gian khổ thật đáng quý, ta phải khen ngợi động viên.
Hiểu được nghĩa từ
Được dạy đều đặn, bé sẽ dần dần học được một số âm tiết và liên hệ với sự vật cụ thể. Thí dụ, nếu ta hỏi “đèn đâu?” bé sẽ dùng tay chỉ đèn, hỏi mũi, mắt, mũi, miệng, tai cũng vậy, mọi thứ bé đều chỉ đúng. Thực nghiệm chứng minh bé 5 tháng tuổi đã có thể nghe tiếng chào và giơ tay vẫy tay, 10 tháng tuổi nghe nói “hoan hô” đã biết vỗ tay, hỏi bé có ngọt không, bé đã có thể dùng miệng biểu thị rất ngọt. Thực sự liên hệ giữa từ ngữ và sự vật là quá trình rất dài, phải tập nhiều lần, tập đi tập lại, mới hình thành mới liên hệ thần kinh vững chắc.
Học nói
Sau 6 tháng bé đã bắt đầu dùng thanh âm khác nhau để gọi và nói với mình. Khi muốn gọi bé thường dùng kêu “a a”. được 1 tuổi thì bé đã có thể gọi mẹ rõ ràng.
Hiểu trước nói sau
Quy luật học nói của trẻ là nghe hiểu trước nói sau. Trước 1 tuổi trẻ nghe hiểu rất nhiều, nhưng nói lại rất ít. Nghĩ mà không nói được. Lúc này là giai đoạn cần nắm chắc ngôn ngữ, cần người lớn nói chuyện nhiều với bé.
Lời kết
Mong rằng với những kiến thức được chia sẻ từ bài viết sẽ giúp ích được cho nhiều cha mẹ đang có những thiên thần đang bước vào tháng thứ 9.